VẬN TẢI BIỂN TOÀN CẦU LAO ĐAO VÌ COVID-19
Một tàu container của hãng vận tải biển Hapag Lloyd đang bốc hàng ở cảng Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters |
Hủy các chuyến tàu chở hàng vì lệnh phong tỏa
Mười hãng vận tải biến lớn nhất thế giới, xử lý hơn ¾ khối lượng container vận tải bằng đường biển của thế giới, đang đối mặt với các mức lỗ lớn do doanh số vận tải mất mát. Tình trạng hủy các chuyến tàu chở hàng đang làm gia tăng cơn bất ổn trong các chuỗi cung ứng. Các container chứa đầy hàng hóa đang bị dồn ứ tại một số cảng biển và việc giao những lô hàng này bị đình trệ do các công ty vận tải biển hạn chế hoạt động để cắt giảm chi phí. |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal hôm 5-5, Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành hãng vận tải biến lớn nhất của Đức Hapag-Lloyd, cảnh báo một số hãng vận tải biển có thể sụp đổ nếu cơn suy thoái thương mại toàn cầu do các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm nay hoặc lâu hơn.
Ông Rolf Habben Jansen nói: “Triển vọng phục hồi chưa rõ. Chúng tôi đang cắt giảm chi phí đến mức tối đa có thể để có thể chống chọi với doanh số vận chuyển bị mất mát và bảo đảm đầy đủ thanh khoản”.
Các hãng vận tải biển, đảm nhận phần lớn thị phần vận chuyển hàng hóa của thế giới, đã phải hủy bỏ 25% số chuyến tàu chở container kể từ cuối tháng 2 giữa lúc các lệnh phong tỏa được áp dụng khắp nơi và nhu cầu từ Mỹ và châu Âu không còn.
Ông Jasen nói: “Trong bốn tuần vừa qua, khối lượng hàng vận chuyển đường biển chịu rất nhiều áp lực. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong những tuần tới. Chúng tôi dự báo bắt đầu từ quí 3, ngành vận tải biển phục hồi chậm nhưng ổn định. Tuy nhiên, rất khó để dự báo thời điểm phục hồi sẽ diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9”.
Ông Jasen cũng cho biết 10 hãng vận tải biến lớn nhất thế giới, xử lý hơn ¾ khối lượng container vận tải bằng đường biển của thế giới, đang đối mặt với các mức lỗ lớn do doanh số vận tải mất mát.
Hapag-Lloyd, hãng vận tải biển lớn thứ năm thế giới, đã hủy 15% số chuyến tàu chở hàng đã lên kế hoạch trước đó ở những tuyến đường biển quan trọng bao gồm các tuyến xuyên Thái Bình Dương và Á - Âu.
Tình trạng hủy các chuyến tàu chở hàng này đang làm gia tăng cơn bất ổn trong các chuỗi cung ứng. Các container chứa đầy hàng hóa đang bị dồn ứ tại một số cảng biển và việc giao những lô hàng này bị đình trệ do các công ty vận tải biển hạn chế hoạt động để cắt giảm chi phí.
Jansen cho biết các hãng vận tải biển buộc đang đối mặt với các lệnh phong tỏa đột ngột của các nước, khiến hàng hóa bị kẹt trên tàu lâu hơn, trong khi đó, các lô hàng xuất khẩu cũng bị kẹt ở các nhà kho và cảng.
Jansen nói: “Chẳng hạn, Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, khiến dòng chảy hàng hóa đặc biệt là hàng xuất khẩu, dừng lại đột ngột”.
Ông cho biết khoảng 20% container hàng hóa đã được thuê vận chuyển không xuất hiện tại các kho cảng, gây khó khăn cho kế hoạch vận chuyển của các hãng vận tải biển.
Một số hãng vận tải biển đang tìm cách bảo toàn tiền mặt bằng cách chỉ nhận vận chuyển hàng cho những hàng trình dài đi vòng qua châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập để tiết kiệm chi phí đóng lệ phí sử dụng kênh đào này có thể lên đến 500.000 đô la Mỹ cho một chuyến tàu lớn. Khi giá nhiên liệu đang giảm mạnh nhờ giá dầu giảm sốc, chi phí cho các cuộc hành trình dài trở nên hợp lý hơn.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập đã giảm lệ phí từ 6% lên đến 75% tùy thuộc vào lộ trình của các chuyến tàu hàng để thu hút khách hàng trở lại.
Để ứng phó dịch Covid-19, Hapag-Lloyd đang tìm cách hủy đơn đặt mua mua sáu siêu tàu chở hàng với công suất vận chuyển 20.000 container. Những siêu tàu này này giờ đây chỉ có thể vận hành với 50% công suất do khối lượng hàng hóa giảm mạnh.
Nguy cơ lỗ 23 tỉ đô la nếu xảy ra cuộc chiến giá cước
Công ty tư vấn vận tải biển Sea-Intelligence dự báo các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới có thể lỗ tổng cộng từ 800 triệu đô la đến 23 tỉ đô la trong năm nay, tùy vào cách họ quản lý tác động kinh tế của các lệnh phong tỏa.
Cho đến nay, tổn thất tài chính của các hãng vận tải biển tương đối nhẹ nhàng so với các hãng hàng hàng không vốn phụ thuộc vào doanh số vận chuyển hành khách.
Các hãng vận tải biển lớn của thế giới như Maersk Line (Đan Mạch), Mediterranean Shipping (Thụy Sĩ) và Ocean Network Express (Nhật Bản) đang quản lý công suất hết sức thận trọng để tránh làm phá sản bảng cước vận tải biển ở các tuyến đường biển quan trọng nếu công suất vận tải vượt xa nhu cầu.
Lars Jensen, Giám đốc điều hành Sea-Intelligence, nhận định mức lỗ của ngành vận tải biển toàn cầu có thể lên đến 23 tỉ đô la trong năm 2020 nếu các hãng vận tải biển lao vào một cuộc chiến tranh giá cước toàn diện vốn đã từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến cước vận tải biển giảm về các mức không thể bù đắp chi phí nhiên liệu.
“Cước vận tải biển sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 một phần là vì các hãng vận tải biển không thể cắt giảm công suất kịp thời. Nguy cơ về mức lỗ lớn khiến các hãng vận tải biển có khả năng cao sẽ hủy bỏ thêm nhiều chuyến tàu chở hàng trong trường hợp giá cước giảm quá sâu”.
Các chuyến tàu bị hủy bỏ, chủ yếu ở tuyến Á - Âu và xuyên Thái Bình Dương, bắt đầu gia tăng trong tháng 1 và tháng 2 khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải phong tỏa nhiều khu vực rộng lớn của đất nước.
Giờ đây, Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu hàng hóa trở lại nhưng nhu cầu ở các trung tâm đô thị ở Mỹ và châu Âu đang giảm sâu vì các lệnh phong tỏa. Một số cảng biển ở Mỹ phải giảm giờ hoạt động ở các kho cảng vì nhu cầu suy yếu.
Hồi đầu tháng 4, giá cước vận tải biển nằm dưới mức hòa vốn của các hãng vận tải biển 20%. Ông Jensen dự báo dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu vận chuyển container suy giảm 10% trong năm nay, tương đương mức giảm vào năm 2009.
Nguồn: TBKTSG Online
Bài Viết Liên Quan
Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Thông báo số 1271/TB-QNP ngày 04/8/2021 của CTCP Cảng Quy Nhơn về việc vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389