Quy hoạch Cảng biển: Đi trước để vươn xa...
Hệ thống cảng biển Việt Nam có vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới giữa các vùng, miền địa phương ven biển và của cả nước; cơ sở để vươn ra phát triển kinh tế hàng hải và dịch vụ hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các ngành kinh tế biển.
Hệ thống cảng biển cũng đồng thời góp phần đắc lực vào việc củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia về duyên hải và lãnh hải...
Hiện đại hóa hệ thống cảng biển
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có 278 bến cảng. Sản lượng hàng hóa và hành khách đều có mức tăng trưởng nhanh trong những năm qua.
Cụ thể, năm 2019 tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 664,6 triệu tấn, năm 2020 đạt 692,3 triệu tấn, đạt mức tăng trưởng bình quân 15,7%/năm giai đoạn 2015 - 2019. Giai đoạn 2015 - 2019 lượng hành khách đường biển có mức tăng trường bình quân đạt 37,8% (năm 2019 đạt 7,5 triệu lượt khách, năm 2020 đạt 5,9 triệu lượt khách).
Hầu hết, các cảng gắn liền với các trung tâm, vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam bộ; Cần Thơ, Long An, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng. Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Để có những thành tựu này, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng chính sách mở về đầu tư đã giúp cho chất lượng dịch vụ khai thác cảng ngày một nâng cao.
Đơn cử, trong giai đoạn qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam như Tập đoàn DP World-UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT-TP. Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine-Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng CICT tại tỉnh Quảng Ninh và bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... cùng một số nhà khai thác cảng trong nước như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.
“Hệ thống các cảng biển được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng của thế giới, nhờ đó hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển,” lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.
Trong giai đoạn vừa qua, quy hoạch phát triển cảng biển đã tiếp cận theo hướng đi trước một bước để tạo tiền đề, động lực cho phát triển chung kinh tế xã hội của địa phương, vùng hay cả nước (tùy vào quy mô, chức năng và vị trí của từng cảng).
Quy hoạch khớp nối tính liên kết ngành và vùng miền
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định để kinh tế biển thực sự là động lực phát triển bền vững kinh tế đất nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường vai trò của quản lý nhà nước trong thúc đẩy tính liên kết theo địa bàn lãnh thổ, theo ngành kinh tế để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn.
Trong quá trình đổi mới, kinh tế biển Việt Nam đã được quan tâm đầu tư phát triển về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đặc biệt là các cảng biển kết nối với đường bộ, đường sắt đã góp phần bảo đảm giao thương hàng hóa trong nước cũng như quốc tế.
Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển, nhất là đội tàu container, đồng thời xây dựng chiến lược cũng như khung chính sách phù hợp, tạo điều kiện để cho dịch vụ logistics phát triển.
Khẳng định quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam qua các thời kỳ đã tạo đà rất tốt góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận quy hoạch này vẫn mang tính dàn trải thiếu tập trung dẫn đến thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng khá chênh lệch (khu vực các cảng phía Bắc chiếm 25 - 30% khối lượng vận tải, các cảng miền Trung chỉ chiếm 13% tổng sản lượng thông qua, các cảng phía Nam chiếm đến 57%).
Bên cạnh đó, sự không đồng bộ giữa cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối (giao thông đường sắt, đường bộ) sự liên kết giữa các vùng đã làm hàng hóa đến và đi từ cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian và chi phí vận tải, đồng thời dồn áp lực vận tải hàng hóa lên đường bộ, làm cho tiềm năng kinh tế biển phân tán, chưa được khai thác hiệu quả.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 980.000 tỷ đồng (tương đương với 2,18% GDP trong cùng thời kỳ). Trong đó, kết cấu hạ tầng cảng biển đạt khoảng 202.000 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đây là tỷ trọng đáng kể so với các lĩnh vực giao thông khác (đường bộ chiếm tỷ trọng 58,5%; hàng không chiếm 9,2%; đường thủy nội địa 7,5% và đường sắt 4%). Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn này chủ yếu được huy động ngoài ngân sách Nhà nước (khoảng 173.400/202.000 tỷ đồng) chiếm xấp xỉ 86%. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng kết nối với cảng biển, hầu hết hạ tầng bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Chỉ ra cách huy động nguồn vốn rất lớn này, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, thời gian qua nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA-CGM... Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.
Để triển khai thực hiện quy hoạch, phía Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển cảng biển; nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển tại các cảng biển tổng hợp, đầu mối khu vực; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống đường giao thông,…).
Nguồn: Trí Dũng - Thời báo tài chính Việt Nam
Bài Viết Liên Quan
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389