Nỗ lực vận chuyển thiết bị điện gió qua đèo An Khê lên Gia Lai
Công tác thử nghiệm vận chuyển cánh điện gió trên QL19 qua đèo An Khê được tiến hành nhằm kiểm tra, tiến tới cấp phép lưu hành cho phương tiện.
Ngày 2/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cùng với nhiều đơn vị có liên quan đã giám sát thử nghiệm tổ hợp xe gắn thiết bị nâng, hạ cánh điện gió trên rơ-moóc thủy lực để vận chuyển cánh điện gió lưu thông trên đường bộ.
Từ khoảng gần 10h sáng, một cánh điện gió có trọng lượng hơn 19,2 tấn đã được tổ hợp xe vận chuyển cánh điện gió (ô tô đầu kéo và cụm rơ-moóc) vận chuyển từ bãi tập kết cánh điện gió và thiết bị tại Km58+500 cạnh QL19, đoạn thuộc địa phận huyện Tây Sơn, Bình Định. Điểm đến của phương tiện này là công trường Dự án điện gió Song An - Cửu An (TX.An Khê, Gia Lai) với tổng chiều dài vận chuyển khoảng 17,9km.
Đoạn đường vận chuyển của phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn bởi tuyến QL19 qua đèo An Khê nối 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai. Đây là đoạn tuyến chủ yếu là núi cao, vực sâu hiểm trở, hướng tuyến quanh co với nhiều đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc lớn.
Hơn nữa, việc vận chuyển hàng hóa là hàng siêu trường siêu trọng rất khó khăn bao gồm cánh điện gió, trụ, tuốc bin phát điện, máy biến áp. Ngoài ra, chiều dài của tổ hợp xe lên đến hơn 82m nên việc vận chuyển bằng phương án cánh rơ-moóc rút, cánh nằm ngang không thể thực hiện được.
Thực tế thử nghiệm cho thấy, tại nhiều vị trí trên đèo An Khê như Km63+590 đường đèo cong ôm ta luy âm, bề rộng mặt đường chỉ khoảng 9m. Các Km63+850, Km63+910, Km63+980 có 3 đường cong liên tiếp nhau, bên phải có cây rừng và nhiều chướng ngại vật khác.
Khi vượt qua được đèo An Khê, đoạn đường liên xã dài 8,2km từ QL19 thuộc TX.An Khê vào đến công trường dự án vướng nhiều đường dây điện hạ thế (220v) và đường điện nhà dân do đó việc vận chuyển thiết bị này gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Tổng cục ĐBVN cho biết, việc vận chuyển những thiết bị điện gió này bằng đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Đây là loại hàng có kích thước lớn cả về chiều cao và chiều dài, khi đi qua các đoạn đường cong, có dốc sẽ vướng.
Ngoài ra, khi đi qua các trạm thu phí sẽ vướng khổ giới hạn vì chiều cao của trạm thu phí chỉ có 5m, trong khi trụ điện gió có đường kính 5,5m, khi xếp lên xe vận chuyển sẽ lên đến 6,5m sẽ không thể đi được. Do đó phải tính đến việc làm các đường tránh trạm thu phí để các phương tiện này đi qua. Đồng thời, ở những đoạn cong phải mở rộng đường, đường dây điện cũng phải nâng lên nếu muốn vận chuyển loại hàng này.
Sau 6h thử nghiệm vận chuyển từ gần 10h đến 4h chiều 2/7, thiết bị được đưa đến dự án một cách an toàn.
Ông Phan Tuấn Linh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: Hiện nay trên các bãi của Cảng Quy Nhơn có khoảng 40 trụ điện gió còn tồn đọng. Đây là những trụ điện gió thuộc các Dự án điện gió ở Gia Lai. Theo ông Linh, việc ách tắc này là do thời gian qua việc thử nghiệm triển khai chậm, chưa cấp phép lưu hành đối với phương tiện chở thiết bị này nên hàng hóa chưa thể vận chuyển đến dự án.
“Việc tồn đọng này gây nên ách tắc hàng hóa ở cảng, chúng tôi phải thuê các bãi ở Nhơn Hội để tập kết các thiết bị này nhằm đảm bảo lưu thông các hàng hóa khác”, ông Linh chia sẻ.
Ông Đặng Văn Chung cho biết, tiến hành thử nghiệm tổ hợp xe gắn thiết bị nâng, hạ cánh điện gió trên rơ-moóc thủy lực để vận chuyển cánh điện gió lưu thông trên đường bộ đã đạt được kết quả cao. Đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trong thời gian thử nghiệm. Đây là tiền đề để tiến tới cấp phép lưu hành nhằm đưa các thiết bị điện gió từ Cảng Quy Nhơn lên Gia Lai.
“Mong mỏi của tỉnh Gia Lai và Chủ đầu tư dự án điện gió Song An - Cửu An là sớm hoàn thành, đưa dự án đi vào khai thác. Do đó, chúng tôi sẽ sớm xem xét để cấp phép lưu hành đường bộ theo quy định để vận chuyển thiết bị điện gió này. Tuy nhiên, sẽ xem xét đến vấn đề cho phép vận chuyển ban ngày hay ban đêm. Quá trình điều tiết giao thông cần phải thực hiện chặt chẽ. Tại những điểm đèo dốc quanh co, các phương tiện không được bám nhau hàng hai, bởi nếu một phương tiện bị trôi phanh rất có thể xảy ra tai nạn liên hoàn.
Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra giám sát đối với phương tiện vận chuyển. Phải chạy theo đúng giấy phép được cấp để đảm bảo an toàn. Đơn vị Chủ đầu tư cần bàn bạc đến việc ký kết với các đơn vị như lực lượng PCCC, cứu thương để họ hỗ trợ ngay lập tức trong trường hợp xảy ra sự cố. Đơn vị chủ đầu tư cũng cần đáp ứng đủ nhân lực để vận chuyển phương tiện.
Đảm bảo các thủ tục, chúng tôi sẽ tiến hành cấp phép lưu thông, trước mắt là lưu thông mỗi lúc một phương tiện trong thời gian sớm nhất trên tinh thần tạo điều kiện cho dự án nhưng phải đảm bảo ATGT, kết cấu hạ tầng đường bộ”, ông Chung khẳng định.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, việc điều tiết giao thông trong thời gian đưa thiết bị điện gió này từ bãi tập kết qua đèo An Khê đến dự án gặp nhiều khó khăn. Khi phương tiện chở thiết bị này từ bãi tập kết thuộc huyện Tây Sơn ra QL19, lực lượng CSGT phải chặn tất cả các phương tiện lưu thông trên QL19 hướng từ Quy Nhơn về Gia Lai. Đồng thời, liên hệ với chốt chặn phía Gia Lai cũng không được cho phương tiện di chuyển xuống để tránh xảy ra nguy hiểm nếu quá trình vận chuyển gặp sự cố.
“Khi phương tiện vận chuyển thiết bị điện gió dừng lại giữa quảng đường sẽ tiến hành cho các phương tiện khác lưu thông lần lượt nhằm tránh gây ùn tắt giao thông trên tuyến đường huyết mạch từ Bình Định nối lên các tỉnh Tây Nguyên này.
Đồng thời, việc quan trọng là đơn vị Chủ đầu tư phải tính toán kỹ lưỡng thời gian vận chuyển thiết bị điện gió, có thể ban ngày hoặc ban đêm nhưng phải đảm bảo an toàn. Đồng thời thông báo cho Phòng CSGT để kịp thời điều tiết, phân luồng phương tiện. Quan điểm của đơn vị là sẵn sàng hỗ trợ trong thời gian vận chuyển thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khác khi tham gia giao thông”, Thượng tá Hoài nói.
Nguồn: Báo Giao Thông
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389