Khơi thông luồng hàng nhờ hạ tầng hàng hải phát triển đồng bộ
Kết nối hạ tầng hàng hải là khâu đột phá để mở ra các hướng phát triển, lấy cảng biển làm trung tâm, hậu cần dịch vụ và các phương thức kết nối hàng hóa sau cảng làm điểm tựa tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Hạ tầng hàng hải phải là khâu đột phá
Tính đến nay, cả nước có tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 286 bến cảng với khoảng gần 83 km chiều dài cầu cảng và 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế khoảng 550 triệu tấn hàng/năm.
Các bến cảng được đầu tư, cải tạo nâng cấp để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 - 50.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn như cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp nhận tàu 160.000 - 194.000 DWT và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) tiếp nhận tàu 100.000 DWT.
Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi vận tải toàn cầu. Việc quy định cầu bến cảng biển trước khi đưa vào khai thác bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện về kho bãi, trang thiết bị phục vụ xếp dỡ, vận chuyển và nguồn nhân lực. Đồng thời, trên cơ sở tận dụng an toàn kết cấu cầu cảng, độ sâu luồng và các điều kiện thủy văn khác giúp các cảng có thể tiếp nhận tàu lớn, giảm tải đã góp phần cho việc giải phóng tàu nhanh, tăng năng suất, hiệu quả khai thác tàu và bảo đảm an toàn cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi.
Hiện cả nước có 46 luồng hàng hải vào cảng quốc gia với tổng chiều dài là 1.105 km và 33 luồng vào các cảng chuyên dùng. Các luồng chính, quan trọng gồm: luồng Hòn Gai, Hải Phòng, Nghi Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn - Vũng Tàu, Soài Rạp, Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải và luồng sông Hậu qua kênh quan Chánh Bố.
Đội tàu biển Việt Nam với tổng số đăng ký tàu biển quốc gia là 1.503 tàu, tổng dung tích khoảng 5 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,9 triệu DWT, trong đó tàu tổng hợp có 816 chiếc (chiếm 28% tổng trọng tải), tàu container 38 chiếc (chiếm 6% tổng trọng tải).
Hiện nay, đội tàu biển Việt Nam được 3.000 doanh nghiệp quản lý, khai thác tàu biển, trong đó có 391 doanh nghiệp là chủ sở hữu tàu đăng ký trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia. Do thị trường vận tải biển phục hồi chậm nên hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều gặp nhiều khó khăn trong khai thác, tài chính, cũng như khó tiếp cận các nguồn vốn để tái cơ cấu đội tàu. Cơ cấu đội tàu vận tải gồm 918 tàu chở hàng bách hóa, hàng rời chiếm gần 58% tổng trọng tải, trong khi tàu container chỉ chiếm 6% tổng trọng tải, đặc biệt là thiếu các tàu có trọng tải lớn và tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời...
Thời gian qua, Việt Nam chủ động mở cửa lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải, tạo cơ hội rất lớn cho các đối tác và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Chất lượng dịch vụ khai thác cảng ngày một nâng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam như: Tập đoàn DP World - UAE tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - TP. Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ tham gia đầu tư khai thác bến cảng CICT tại tỉnh Quảng Ninh và bến cảng SSIT tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn PSA - Singapore tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số hai thế giới) tham gia đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hong Kong (nhà khai thác cảng biển số một thế giới) tham gia đầu tư bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các hãng tàu Mitsui O.S.K line - Nhật Bản, Wanhai Lines - Đài Loan tham gia đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng Cái Mép; hãng tàu MOL, NYK tham gia đầu tư bến cảng Lạch Huyện...
Đồng bộ trong kết nối hạ tầng hàng hải
Liên kết trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, đặc biệt là cảng biển là ưu tiên hàng đầu vì cảng biển mang tính chất trung tâm, khi cảng biển phát triển sẽ vừa mang tính chất phục vụ cho nền kinh tế, vừa mang tính chất tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực liên quan đến cảng biển và vận tải biển... Do đó, khi chúng ta tăng cường tính liên kết ngành giữa phát triển hạ tầng cảng biển sẽ tạo động lực phát triển cho kinh tế ngành, vùng... Đối với phát triển cảng biển, khi mở rộng tính liên kết vùng ra ngoài ranh giới lãnh thổ sẽ là cơ sở để phát huy thế mạnh các hành lang kinh tế xuyên quốc gia và phát triển cảng biển trung chuyển hiệu quả.
Để đảm bảo phát triển bền vững kết cấu hạ tầng hàng hải và dịch vụ cần tăng cường hơn nữa tính đồng bộ từ khâu đầu tư đến khai thác. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế về đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, trong đó có việc triển khai xây dựng mô hình cơ quan quản lý khai thác cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối cảng biển với hạ tầng liên quan, bao gồm hạ tầng phần cứng và hạ tầng phần mềm. Hạ tầng phần cứng là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm phân phối… Hạ tầng phần mềm là hạ tầng dành cho các dịch vụ gắn liền với phát triển cảng biển như bảo hiểm, ngân hàng, hạ tầng các cơ sở đào tạo và hạ tầng dành cho các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển. Những hạ tầng kết nối nêu trên là rất cần thiết để kết cấu hạ tầng hàng hải, cảng biển khi đưa vào khai thác không còn phải “chờ hàng, chờ đường hay chờ các cơ quan quản lý nhà nước...”.
Kết cấu hạ tầng cảng biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với cảng biển hiện đại không chỉ đơn thuần là đầu mối GTVT, nơi giao thương, cửa khẩu xuất nhập hàng hóa mà còn là một mắt xích quan trọng kiểm soát thông tin và chuỗi vận tải toàn cầu, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế cũng như an ninh - quốc phòng. Đối với các dự án thứ yếu cần xã hội hóa tối đa nguồn vốn đầu tư để giảm chi phí và gánh nặng ngân sách. Mặt khác, lĩnh vực tư nhân cũng là một nguồn lực rất quan trọng, đặc biệt khi thu hút được những nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực, kinh nghiệm quốc tế sẽ là động lực mạnh mẽ, “điểm sáng” để cải thiện và đổi mới công tác đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389