“Hành trình về nguồn năm 2021 – Hành trình của lịch sử”
Đất nước đã hòa bình được hơn 45 năm nhưng trong sâu thẳm mỗi người con đất Việt nói chung và CB-CNV Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nói riêng không thể nào quên sự hy sinh anh dũng của những lớp cha anh đi trước để bảo vệ từng tấc đất giành lại hòa bình cho dân tộc. Để tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Do đó, Đảng ủy Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Định cùng tổ chức đã có chuyến hành trình Về nguồn tại những điểm mốc lịch sử của dân tộc.
Vào ngày 07/4/2021, dẫn đầu đoàn là đồng chí Lê Văn Hồng – Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Định và đồng chí Phan Tuấn Linh – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cùng toàn thể 31 CB-CNV của 2 đơn vị Đoàn khởi hành từ Quy Nhơn đến Hà Nội trong cái nắng gắt giữa hè nhưng mỗi thành viên đều có tâm thế rạng rỡ chờ đón “Hành trình về nguồn”. Điểm đến đầu tiên của Đoàn là dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nhà 67 là tên gọi theo năm xây dựng và hoàn thành công trình (năm 1967), được xây dựng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị bố trí nơi làm việc của Bác thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Nơi đây, Bác đã tiếp các vị lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Quân khu V ra họp và làm việc; nơi đây Bác viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" và một số tác phẩm quan trọng khác. Căn nhà này là nơi Bác sống và làm việc đến những giây phút cuối cùng.
Đoàn cũng đã đến thăm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đồng chí Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về nhiệm vụ của đơn vị và công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong suốt hơn 50 năm qua. Cũng tại buổi tiếp, đồng chí Đại tá Bùi Hải Sơn đã tặng vật phẩm tranh lưu niệm in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúc các đại biểu sức khỏe dồi dào và tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới. Đáp lại tấm lòng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Cảng Quy Nhơn và Đảng ủy khối doanh nghiệp cũng tặng bức tranh “Thần tốc”.
Đến với “Con đường Hạnh Phúc” dài 185 km bắt đầu từ Thành phố Hà Giang xuyên qua Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tới thị trấn Mèo Vạc. Con đường hình thành từ công sức và cả máu xương của 1.200 dân công địa phương và hơn 1.000 thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định và Hải Dương. Họ đã phải thi công trong suốt thời gian hơn 5 năm (10/9/1959 -15/6/1065), với trên 2 triệu ngày công, đào đắp, di chuyển trên 3 triệu m3 đất đá. Đoạn đường dài 24km vượt qua đèo Mã Pì Lèng là mất nhiều công sức, xương máu hơn cả. Khi tuyến đường được khai thông đã có 14 thanh niên xung phong hy sinh, mãi mãi nằm lại trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Giống như tên gọi của nó -“Hạnh Phúc”- con đường hoàn thành chứa đựng niềm hạnh phúc vô bờ của hàng vạn đồng bào dân tộc vốn bị biệt lập từ bao đời nay trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ con đường này, hệ thống đường nhánh về xã, bản dần dần mang theo “điện - đường - trường - trạm” về với từng bản làng, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no. Để tưởng nhớ và tri ân thế hệ thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc, năm 2017 tỉnh Hà Giang đã hoàn thành xây dựng Cụm tượng đài Thanh niên xung phong. Công trình làm bằng đá tự nhiên đẽo tạc, có chiều cao 12m, cả bệ là 16m, gồm: cụm tượng chính gồm 05 nhân vật thể hiện cho lực lượng Thanh niên xung phong các dân tộc của 8 tỉnh tự hào, hiên ngang chinh phục thiên nhiên, mở ra con đường hạnh phúc, và 03 bức phù điêu chạm khắc nổi thể hiện 3 nội dung: chia tay người thân lên biên cương cực Bắc xẻ đá núi vượt cổng trời; hình ảnh thể hiện sự gian khó khi mở đường và hình ảnh mở đường thắng lợi. Tượng đài thanh niên xung phong bên cạnh con đường Hạnh Phúc hài hòa với khung cảnh kỳ vĩ nơi đây chắc chắn sẽ khơi dậy trong lòng mỗi CBCNV của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Định niềm tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh cho sự nghiệp của dân tộc.
Tiếp cuộc hành trình đoàn công tác Đảng ủy Khối đoàn nghiệp tỉnh Bình Định và Đảng ủy Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã đến thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng, điểm cực Bắc địa đầu của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.700m so với mực nước biển. Phía trên đỉnh cột cờ là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên Tổ quốc Việt Nam. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi địa đầu Tổ quốc, các thành viên trong đoàn đều có chung cảm xúc tự hào và cùng nhau tổ chức chào cờ dưới cột cờ này.
Đến thăm tại huyện Vị Xuyên, đoàn công tác Đảng ủy Khối đoàn nghiệp tỉnh Bình Định và Đảng ủy Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc tại cao điểm 468 và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Đây không chỉ là nơi yên nghỉ của hơn 1.700 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương cực Bắc Tổ quốc, từ năm 1979 đến năm 1989, còn là nơi tôn vinh, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Đã hơn 40 năm trôi qua, trong trái tim những người đồng chí, đồng đội, đồng bào vẫn chứa chan một niềm tin mãnh liệt: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng, da thịt của các anh đã hòa vào đất, đá biên cương để mảnh đất nơi đây mãi xanh tươi và trường tồn cùng đất nước.
Trong hành trình 5 ngày, 4 đêm, các đại biểu đã được đến thăm quan khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào - Tuyên Quang. Tại đây Đoàn đã được dẫn đi thăm quan toàn bộ khu di tích lịch sử cách mạng tháng Tám. Được nghe giới thiệu về di tích Quốc gia đặc biệt này thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đã hơn 75 năm kể từ mùa thu năm 1945, nhưng Tân Trào vẫn còn vẹn nguyên những giá trị lịch sử. Tiếp đến là thăm Đình Hồng Thái (Đình Tân Trào), đây cũng là nơi đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn quy định quốc kỳ, quốc ca và bầu ra một chính phủ lâm thời. Các đại biểu của Đảng Ủy khối doanh nghiệp và Đảng ủy Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã đến thăm cây Đa Tân Trào, trước đây dưới bóng cây đa, năm 1945 Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.
Kết thúc chuyến về nguồn, các đại biểu vô cùng phấn khởi, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng ủy Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cũng như sự phục vụ tận tình chu đáo của cán bộ công nhân viên để Đoàn có chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa. Chương trình về nguồn do Đảng ủy Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tổ chức không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về tinh thần mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Công ty, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”./.
Nguồn: Tú Phượng
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389