Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm trọng dụng nhân tài
Hệ thống quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đạo đức... Trong đó xây dựng, sử dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài là một trong những nội dung cốt lõi, được Người đề cập trong rất nhiều bài viết, bài nói.
Bác Hồ khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[1]. "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" [2]. Từ vai trò của cán bộ đối với sự thành bại của cách mạng, Người chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của Đảng: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng." [3]
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957 |
Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phát hiện và trọng dụng nhân tài. Để không bỏ sót nhân tài, Người căn dặn: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi,...” [4]
Để tập hợp được nhân tài phải có tinh thần hòa hợp, khách quan, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá vị trí xuất thân của họ. Người chỉ rõ: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được.”[5]
Với quan điểm trọng dụng nhân tài, Bác luôn đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Người cho rằng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài.” [6]
Quan điểm trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh luôn gắn liền với quan điểm hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc. Quan điểm đó được thể hiện đầy đủ trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Đó là: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở... Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.” [7]
Để tìm hiền tài tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 20/11/1946, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông lệnh Tìm người tài đức (được ví như “chiếu cầu hiền”). Thông lệnh viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ” [8].
Với quan điểm trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo nhân sĩ, trí thức thuộc các đảng phái, giai tầng khác nhau trong nước tham gia Cách mạng tháng Tám và công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Hồ đã thu hút được rất nhiều quan lại của Triều đình nhà Nguyễn, của Chính phủ Trần Trọng Kim cùng trí thức Việt Nam ở trong và nước ngoài đi theo cách mạng, như Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý (của vua Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe, Tham tri Đặng Văn Hướng, Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, nhà Hán học danh tiếng Bùi Kỷ; …và các trí thức danh tiếng như Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Võ Quý Huân, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, … Khi thành lập Chính phủ Lâm thời, ngoài những thành viên của Việt Minh, có nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, như Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà (một người công giáo không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (không đảng phái), Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ), ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm trọng dụng nhân tài |
Xuất phát từ quan điểm hòa hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/3/1946, thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ Cộng hòa, những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự rút lui, nhường lại các ghế bộ trưởng cho các nhân sĩ, trí thức và các thành viên của các chính đảng khác. Mặt trận Việt Minh chỉ giữ 4 ghế, gồm: Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp. Còn lại các chức vụ khác đều do các nhân sĩ trí thức hoặc thành viên của các chính đảng khác đảm nhiệm, như Phó Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần (đảng Việt Cách), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh - đảng Việt Quốc)... Thành lập Cố vấn đoàn của Quốc hội do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) đảm nhiệm và Giám mục Lê Hữu Từ là thành viên (theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). [9]
Với quan điểm đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc, lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, Hồ Chí Minh luôn sáng suốt trong trọng dụng hiền tài. Người không chỉ thu hút, tập hợp mà còn phát huy được nhiệt tình, trí tuệ của hầu hết quan lại và trí thức người Việt trong và ngoài nước có đức tài, có tinh thần yêu nước; có trình độ chuyên môn; có năng lực, kỹ năng quản trị nền hành chính công quyền tham gia xây dựng, tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng và công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đây là nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho chính quyền nhân nhân non trẻ đứng vững và đưa dân tộc giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước.
Để phát huy vai trò của hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của họ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” năm 1947, lấy bút danh XYZ, Người nhấn mạnh trong sử dụng cán bộ “phải khéo dùng người”. Khéo ở đây là đánh giá đúng cán bộ để sử dụng cán bộ hợp tình, hợp lý phù hợp với năng lực của họ; là để cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”.
Sau Cách mạng tháng Tám, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta vô cùng phức tạp, nhưng Bác vẫn thu hút, tập hợp được nhân tài trong các tầng lớp xã hội khác nhau, bởi Người luôn đề cao tinh thần độ lượng, khách quan, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá nhân tài và đánh giá con người nói chung. Chính nhờ vậy, Người đã cảm hoá, thu phục được những người có quan điểm, chính kiến khác nhau tham gia chính quyền cách mạng, sử dụng và phát huy tài năng những người trái chính kiến với mình để thêm bạn bớt thù cho dân, cho nước.
Quan điểm trọng dụng nhân tài, hòa hợp dân tộc thuộc vào những di sản quý báu nhất của Bác Hồ để lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau vận dụng xây dựng quốc gia thái bình, phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: Vietnamnet, Phóng viên: Nguyễn Huy Viện
Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr.27.
[2]. Sách đã dẫn (SĐD), tập 6, tr.240.
[3].http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Dao-duc-HCM/884228/vun-trong-goc-re-cua-dang
[4]. SĐD, tập 11, tr.315.
[5]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, HN 2002, tr.38.
[6]. SĐD, tập 5, tr,184.
[7]. Văn kiện Đảng toàn tập: Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập7, tr.149-150.
[8]. SĐD, tập 4, tr. 504.
[9].http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang/thanh-lap-chinh-phu-lien-hiep-khang-chien-538230.html
Danh Mục
- 0773892389
- 0256.3892389